Tiến tới một nền Kiến trúc vì cộng đồng
Triết lý kiến trúc vì cộng đồng xuất phát từ cơ sở, nền tảng nào trong nhận thức và tư duy của KTS? Ý tưởng nào cho sự phát triển kiến trúc Việt Nam “vị nhân sinh”? Tiêu chí nào là quan trọng đối với kiến trúc vì cộng đồng?
(Những câu hỏi đề dẫn của Hội KTS Việt Nam)
Cộng đồng là từ gốc Hán, trong đó “cộng” = cùng nhau; “đồng” = ngang nhau / giống nhau / như nhau. Từ đó, Từ điển tiếng Việt (Nguyễn Lân) định nghĩa cộng đồng là “những người trong cùng một tổ chức” – nhưng như vậy chỉ tập trung vào các cộng đồng “chính thống” (có tổ chức = được ràng buộc bằng quy định) mà không quan tâm đến những thuộc tính của cộng đồng nói chung về không gian (gắn với một địa bàn cụ thể) và về đặc trưng (có những điểm chung xác định). Trong thực tế đời sống xã hội, các cộng đồng đa dạng / phong phú hơn rất nhiều. Trong thế giới “phẳng” của xã hội thông tin, không gian của cộng đồng cũng được mở rộng vượt qua ranh giới địa lý (thậm chí là những cộng đồng chỉ kết nối trên không gian “ảo”).
Cộng đồng là một thực thể Xã hội gồm các cá nhân có quan hệ với nhau. Nội dung và tính chất cụ thể của mối quan hệ đó tạo nên sự liên kết và đan xen của nhiều cộng đồng khác nhau trong cùng một phạm vi không gian.
“Vì cộng đồng” – là cộng đồng nào?
Tầng lớp doanh nhân, thượng lưu giàu có hay những người khuyết tật, người nghèo khó, thu nhập thấp đều là những cộng đồng. Một gia đình, dòng họ, một tập thể (nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp…), một đảng phái, giai cấp – cũng là những cộng đồng. Và kiến trúc nào cũng vì một “cộng đồng” nhất định liên quan đến nó. Ở đây có lẽ Hội KTS Việt Nam đang muốn nói đến những cộng đồng dân cư thuộc tầng lớp dưới – “thấp cổ bé họng” nên không có khả năng và ít có cơ hội được tham gia vào đời sống xã hội đang ngày càng phát triển. Với khẩu hiệu “Kiến trúc vì cộng đồng”, dường như các KTS đang xác định mình có một sứ mạng “mới” cao cả là xóa bỏ sự “bất cập” này? – Nhưng liệu rằng chúng ta có “cầm đèn chạy trước ô tô”?
Sau “Gặp gỡ mùa thu năm 2006” (chủ đề “Các xu hướng sáng tác trong kiến trúc xã hội đương đại” của Hội KTS Việt Nam), tôi có phát ngôn là xu hướng phát triển cơ bản của kiến trúc Việt Nam trong thời kỳ quá độ (sẽ kéo dài chưa biết đến bao giờ) không nên chỉ xoay quanh câu chuyện quốc tế hóa / bản địa hóa – mà cần mở ra hướng nhân văn hóa. Nhận định đó dựa trên thực tế là tiến trình dân chủ hóa / nhân văn hóa đang trở thành xu thế phát triển chủ đạo của thế giới ở thế kỷ 21, diễn ra trong mọi lĩnh vực (J.Naisbitt và P.Aburdene, Megatrends 2000-). Giải thưởng Pritzker (và nhiều giải thưởng kiến trúc khác) gần đây cũng bắt đầu chuyển hướng tôn vinh những KTS có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng (P.Zumthor, Wang Shu, Toyo Ito, Shigeru Ban, A.Aravena,..). Có điều dễ thấy là ở xã hội phương Tây đề cao tự do cá nhân nhưng trên cơ sở thượng tôn nền văn minh pháp quyền (vốn đã phát triển từ thời La Mã) thì sự chia sẻ – lùi mình vì lợi ích chung trong các không gian công cộng là điều tự nhiên đối với mọi công dân. Trong khi đó, ở Việt Nam, khi không còn chế độ phúc lợi bao cấp kiểu cào bằng / khỏa lấp – thì bức tranh xã hội bị phân hóa méo mó, các lợi ích riêng lấn át dần cái nền chung (“cha chung không ai khóc”?). Đô thị phát triển “nóng” rừng rực nhưng một phần lớn người dân vẫn không có nhà ở; các không gian công cộng – công trình công cộng trở thành đặc quyền đặc dụng của những lợi ích nhóm chứ không còn phục vụ cho đại chúng. Sự phân cách giàu, nghèo ngày càng trở nên sâu rộng. Vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở vượt lũ được đặt ra thật cấp thiết – nhưng đến khi thực hiện thì lại vướng phải hàng loạt rào cản chồng chéo về thủ tục, quy định từ các bộ ngành có liên quan. Các KTS đã ở đâu và đóng góp gì trong bức tranh này?
Tinh thần cộng đồng vốn là nền tảng và đặc trưng cơ bản của văn hóa Việt Nam trong hàng ngàn năm (suốt từ thời kỳ Bắc thuộc cho đến thời phong kiến tự chủ) không lẽ giờ đây đã mất? Tính đại chúng, tính dân tộc vẫn luôn được đề cao trong Đề cương văn hóa từ những năm 1940- không lẽ cũng chỉ còn là những khẩu hiệu để “treo” cho đẹp? Sau 30 năm đổi mới, đến lúc hoàn thiện thể chế pháp lý chúng ta mới thấy những quyền công dân cơ bản được quy định bởi Hiến pháp và pháp luật – như quyền được sống, được có nhà ở, được học tập, được mưu cầu hạnh phúc… – không phải đã đến được với tất cả mọi người. Khái niệm “cộng đồng” hiện nay đang bị biến thái và cần được định nghĩa lại. Giới kinh doanh và tiếp thị cũng đang hướng tới cộng đồng, tới mọi người – nhưng như là đối tượng khách hàng tiềm năng, gắn với nhu cầu đại chúng – để chiếm lĩnh thị trường. Nội hàm của chữ “nhân” (trong tâm thế “trọng nhân” của người Việt) dường như đã chuyển dịch từ “nhân văn” – “nhân cách” – “nhân dân” (những giá trị chung, tích cực) thành “cá nhân” – “nhân vật” (cái riêng – tiêu cực). Nếu trước đây vai trò cá nhân luôn phải gắn với cộng đồng (họ hàng, làng xóm, dân tộc) thì mới được ghi nhận – thì ngày nay được thay thế bằng những “người của công chúng”. Những cộng đồng ảo trên không gian mạng dường như đang lấn át, chi phối những con người thật trong cuộc sống.
Tuy nhiên, chìm khuất sau những thiểu số “ồn ào”, thích thể hiện, nổi loạn đó là một “đa số im lặng” đang thu mình lại – gồm những nhóm dân cư chịu nhiều thua thiệt, những người lao động nghèo, những đối tượng bị xem là “thấp kém”, không có tiếng nói chính danh, không được quan tâm và bị gạt ra bên lề xã hội – mà hầu như ở địa bàn nào cũng có. Đó chính là những “cộng đồng” không chính thống mà kiến trúc cần hướng tới.
Kiến trúc – từ “vị nhân sinh” đến “vị dân sinh”
Vị nhân sinh vị dân sinh đều có nghĩa là vì cuộc sống của con người, nhưng vị nhân sinh nghe chừng khái quát hơn, “cao quý” hơn (gắn liền với cuộc tranh luận về tư tưởng – “nghệ thuật vị nghệ thuật” hay “nghệ thuật vị nhân sinh”) và cũng cá nhân hơn (mỗi người một khác); còn vị dân sinh thì hiện thực hơn, đời thường hơn và gắn với số đông, với cộng đồng nhiều hơn. Có lẽ vì thế mà lâu nay chúng ta vẫn ưa dùng “kiến trúc vị nhân sinh” theo cách lưỡng dụng – vừa có tính hợp lý tiện dụng của công năng (đáp ứng nhu cầu của người sử dụng) lại vừa thể hiện quan điểm sáng tạo một cách lãng mạn (nhân sinh quan = lẽ sống). Tuy nhiên, nhân sinh quan của tác giả KTS liệu có trùng hợp với lối sống và quan niệm về cuộc sống của người dân / của cộng đồng – để cho cái hợp lý không trở thành khiên cưỡng / cứng nhắc? Kiến trúc “vị nhân sinh” duy lý theo kiểu Le Corbusier (biến ngôi nhà thành “cái máy để ở”), hay cao đạo như của Tadao Ando (biến ngôi nhà thành chỗ để tọa thiền) dường như đều chỉ tạo ra những không gian đẹp để nhìn ngắm mà không cần đến sự hiện diện của con người – có khác nào là sự thoát ly khỏi cuộc sống hiện thực, thậm chí là loại con người ra khỏi chỗ trú thân của chính họ? Ngay cả trong những kiệt tác kiến trúc hữu cơ của F.L.Wright thì sự đầy đủ đồ đạc và sự hoàn hảo về chi tiết cũng khiến cho con người trở nên thừa. Những kiến trúc giải tỏa kết cấu như của Z.Hadid / D.Libeskind phản ánh quan điểm sáng tác của KTS – nhưng liệu có thể giúp giải tỏa được tâm lý bất an cho con người trong bối cảnh xã hội ngày càng phức tạp và lộn xộn? Những kiến trúc như thế thực chất là “vị nhân vật” (tác giả) chứ cũng chẳng phải là “vị nhân sinh”. Còn ở ta thì những kiến trúc đại trà được nghiên cứu, thiết kế, đầu tư, xây dựng, quản lý,… một cách chính thống theo hệ thống tiêu chuẩn điển hình hóa (trước hết để đảm bảo an toàn cho các nhà quản lý – chứ chưa nói đến việc tiện dụng cho dân hay làm đẹp cho xã hội) chắc chắn là vẫn vượt quá nhu cầu và khả năng của các tầng lớp dân nghèo, người lao động phổ thông.
Kiến trúc “vị dân sinh”: Kiến trúc đáp ứng các hoạt động sống thiết thực của người dân (mà nhiều khi cũng chính là những nhu cầu sinh tồn thiết yếu nhưng không được quan tâm ghi nhận một cách “chính thống” / “chính danh”). Vai trò tổ chức của KTS là vận dụng kiến thức chuyên môn theo thế giới quan nhân văn của mình để tạo dựng môi trường không gian cho các hoạt động đó đạt được hiệu quả lâu dài / bền vững – vì cuộc sống của người dân, vì cả lợi ích của cộng đồng và toàn XH.
Có thể thấy là do ảnh hưởng của làn sóng toàn cầu hóa chạy theo phương Tây mà những tiêu chí về bền vững đang nặng về các khía cạnh hoạt động kinh tế – môi trường, trong khi bản chất của sự phát triển bền vững ở cấp độ đô thị là phải diễn ra và đạt được trên cả 4 phương diện: Sinh thái – kinh tế – văn hóa – xã hội. Phát triển bền vững được biểu hiện trước hết ở tính công bằng – Công bằng trong việc phân phối hợp lý các sản phẩm nhà ở, thực phẩm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội; công bằng về khả năng tiếp cận và sử dụng các không gian công cộng, các tiện ích đô thị; công bằng trong việc người dân được cùng tham gia quản trị những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của mình,.. Vấn đề về tính công bằng cũng luôn được xếp hàng đầu trong các yêu cầu đặc trưng của một xã hội phát triển – “công bằng, dân chủ và văn minh”. Trong thực tế, người lao động và người nghèo luôn là đối tượng chịu thiệt hại và bất công nhiều nhất trong các dự án phát triển đô thị: Do bị giải phóng mặt bằng phải chuyển đi nơi khác nên không được thụ hưởng những lợi ích do việc đầu tư tạo ra – cho dù họ có được đền bù dưới hình thức tái định cư thì cũng không còn môi trường sống quen thuộc và mất cơ hội để mưu sinh nên phải bắt đầu lại cuộc sống từ đầu. Vì vậy, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ ở Việt Nam tuy tạo ra nhiều cơ hội to lớn cho sự phát triển, nhưng cũng rất dễ dẫn đến những kết cục gây tai họa – đặc biệt là cho các tầng lớp người lao động và dân nghèo.
Kiến trúc vị dân sinh là kiến trúc tạo điều kiện cho người dân cải thiện chất lượng cuộc sống, bù đắp lại những thua thiệt về kinh tế, văn hóa và xã hội. Không cần phải là một dạng công trình mới chuyên dụng, cũng không nhất thiết phải to lớn và tốn kém tiền bạc – nhiều khi chỉ là thêm một cái mái đua để trú mưa, che nắng, một chỗ có thể ngả lưng để qua đêm, một vị trí, cơ hội để mưu sinh qua ngày,.. Những kiến trúc như vậy thấm đượm tinh thần nhân ái của “đạo lý Á Đông” (“Đạo lý là khoa học về đạo đức và mục đích của nó là làm cho hạnh phúc của mỗi cá nhân và của toàn xã hội nói chung đạt đến mức tối đa” – W.Lim). Tiếp tục làm cho nó phù hợp hơn với các tổ chức cộng đồng của người Việt, thể hiện được thế ứng xử “trọng nhân” (quan tâm đến con người thế tục – hiện thực chứ không phải là đề cao mẫu người lý tưởng – siêu thực) và phát huy được những giá trị “nhân văn” tích cực của văn hóa Việt Nam – Chắc chắn đây sẽ là câu trả lời cho vấn đề bản sắc kiến trúc.
Tiêu chí phương châm của kiến trúc “vì cộng đồng”?
Kiến trúc vì cộng đồng không phải là một loại hình chuyên biệt mới để có những tiêu chí định hình, định dạng riêng. Tính chất vì cộng đồng không biểu hiện ở cái tên được đặt cho công trình, mà ở cách thức vận hành và hiệu quả phục vụ cho cộng đồng sau khi nó thành hình. KTS không thể một mình quyết định được điều đó – nhưng sẽ là người đặt nền móng cơ bản ban đầu để phương châm “vì cộng đồng” được thực hiện nhất quán và xuyên suốt cả quá trình từ thiết kế cho đến thi công và khai thác công trình.
Ở mức độ cao nhất, có thể nói kiến trúc vì cộng đồng, kiến trúc vị dân sinh cần được đặt vấn đề tiếp cận như một sản phẩm “của dân, do dân và vì dân”:
“Của dân” – Là người dân phải được làm chủ (mặc dù sở hữu nhà, đất, vốn đầu tư có thể có nguồn gốc khác nhau, nhưng cuối cùng quyền quản lý và sử dụng được chuyển giao lại cho cộng đồng. Cần có cơ chế, chính sách cho việc này);
“Do dân” – Là xuất phát từ nhu cầu và lợi ích thiết thực của người dân; cộng đồng nên được tham vấn và tham gia thực hiện (bằng nhân lực và vật lực của mình) trong quá trình tạo dựng từ thiết kế cho đến vận hành sử dụng). Cần có sự đồng thuận của cộng đồng;
“Vì dân” – Ưu tiên đáp ứng những nhu cầu thiết yếu và phù hợp với khả năng thực tế của người dân; phục vụ trực tiếp cho các hoạt động vì lợi ích chung của cộng đồng; hướng tới mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội.
Nói chung, có thể nhìn nhận một kiến trúc “vì cộng đồng” thông qua các khía cạnh:
– Phạm vi phục vụ: Không phân biệt, không hạn chế đối tượng sử dụng trong các cộng đồng dân cư địa phương; mang tính chất phục vụ (không quá tốn kém, không đặt nặng mục tiêu kinh doanh thương mại, dịch vụ);
– Nội dung hoạt động và giải pháp kiến trúc không gây ra mâu thuẫn, xung đột lợi ích giữa các nhóm, các cộng đồng khác nhau trên cùng một địa bàn; có khả năng thích ứng linh hoạt với các nhu cầu khác nhau để hoạt động thường xuyên và hiệu quả;
– Tạo điều kiện và cơ hội cho việc củng cố, phát huy các mối quan hệ cộng đồng trong quá trình khai thác sử dụng công trình, trên cơ sở cộng sinh – hoạt động bền vững (cùng chia sẻ lợi ích và trách nhiệm);
– Góp phần vào sự tiến bộ của cộng đồng trên cả phương diện vật chất và tinh thần (cải thiện đời sống, vệ sinh môi trường, giáo dục nhận thức và thẩm mỹ, nâng cao ý thức, điều chỉnh hành vi, nâng cấp lối sống văn minh,..)
Việc đặt ra tiêu chí cho “kiến trúc vì cộng đồng” dường như đang nhằm lấp đầy khoảng trống của các tiêu chí “Kiến trúc tiên tiến có bản sắc” và “Tính xã hội nhân văn bền vững” trong bộ tiêu chí Kiến trúc xanh của Hội KTS Việt Nam (nhằm mục đích để cho các công trình kiến trúc xanh trở nên gần gũi hơn?). Tuy nhiên, đó là một sự khiên cưỡng – Vì nhiều khía cạnh của các tiêu chí: Địa điểm bền vững / Chất lượng môi trường sống / Sử dụng tài nguyên và năng lượng hiệu quả cũng liên quan rất nhiều tới cộng đồng (tính nhân văn ) nhưng lại không được đề cập hoặc có thể lượng hóa. Việc lắp ghép cơ học như vậy cũng không khác gì khẩu hiệu “kiến trúc tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc” – Nghe rất hay nhưng khó mà đạt được kết quả gì cụ thể vì vẫn đặt tính tiên tiến – hiện đại nằm ngoài nội hàm của bản sắc văn hóa. Để kết hợp các giải pháp xanh với mục tiêu vì cộng đồng – thì có lẽ vẫn nên dùng Kiến trúc bền vững / Kiến trúc có trách nhiệm xã hội.
Hướng tới một nền kiến trúc vì cộng đồng
Để có được một dòng kiến trúc vì cộng đồng (chứ không chỉ là một vài hiện tượng đơn lẻ) thì trước hết phải có được những nhóm KTS mang tâm thế sẵn sàng hành động vì cộng đồng – Việc này liên quan đến câu chuyện đào tạo con người (mà các trường cần có trách nhiệm). Mặc dù KTS phải kiếm sống bằng nghề tư vấn thiết kế – song có lẽ không ai toan tính lợi ích khi tham gia những công trình vì cộng đồng, mà làm theo tiếng gọi từ trái tìm, vì trách nhiệm công dân đối với xã hội. Nhưng cũng chính vì thế mà phải tạo lập được một hành lang pháp lý – hay ít nhất là một cơ chế thích hợp – cho việc thực hiện những công trình, dự án vì cộng đồng (thường là không đủ điều kiện để lọt qua những quy trình, thủ tục thông thường về phê duyệt, cấp phép, chuyển đổi, quản lý, tín dụng,..) – việc này thì lại liên quan đến các cơ quan chính quyền (mà Hội KTS Việt Nam cần có tiếng nói tác động).
Nền tảng của ý thức tư duy và hành động vì cộng đồng là sự sẻ chia đồng cảm và ứng xử trên cơ sở tính nhân văn (cái nhân bản / cái gốc của yếu tố con người). Với vai trò là người tổ chức không gian và môi trường kiến trúc, các KTS đừng nên chỉ cố thủ trong “tháp ngà” nghệ thuật, hãy biết thoát khỏi những “pháo đài” tiêu chuẩn, vượt qua những “ma trận” quản lý mà dấn thân / nhập cuộc / hòa mình vào đời sống của cộng đồng, để “không có cái gì thuộc về cộng đồng mà xa lạ với chúng ta” – như thế mới có thể làm kiến trúc cho cộng đồng một cách tự nhiên nhất (như là làm cho chính mình vậy).
Trong nhận thức về nghề nghiệp, các KTS luôn phải ý thức được rằng bên cạnh trách nhiệm chuyên môn đối với sản phẩm kiến trúc thì họ còn có trách nhiệm xã hội thường xuyên, đối với đồng bào, với cộng đồng xung quanh mình – chứ không phải chỉ chịu sự ràng buộc trách nhiệm với chủ đầu tư và các nhà quản lý trong từng hợp đồng, từng công việc cụ thể. Và thay vì đặt mục tiêu là cứ phải làm “cái gì đó” to lớn, hoành tráng, khác thường để trở thành “người của công chúng”, thì các KTS hãy là người của cộng đồng và làm được cái “bình thường” cho cộng đồng trước đã.
Cần xem xét điều chỉnh nhận thức của chính các KTS, và gốc rễ của vấn đề này từ trong quá trình đào tạo.
Hiện nay môi trường hành nghề của ta chưa chuyên nghiệp, cơ chế quản lý còn nhiều bất cập và các KTS đang hành nghề tương đối tự do, nên không ít KTS đang coi trọng việc thể hiện cái Tôi (cá nhân / cá tính / cá biệt / khác thường) mà tự cho có quyền năng áp đặt quan điểm, sở thích riêng của mình trong việc tiếp cận các vấn đề xã hội. Đáng tiếc là một số trường hợp như thế lại được tôn vinh và quảng bá – trong khi cũng đã có những công trình thực sự vì cộng đồng nhưng lại không lọt được vào mắt xanh của các hội đồng chuyên môn. Công tác lý luận phê bình còn yếu lại chủ quan và phiến diện, nên việc định hướng phát triển kiến trúc chưa nhạy bén và kịp thời.
Nhìn xa hơn thì nội dung và phương pháp đào tạo của các trường hầu hết định hướng tới mẫu KTS sáng tác (nhưng chỉ xoay quanh vấn đề tạo hình mà xa rời thực tế cuộc sống) – nên đang cho ra lò những KTS lệch lạc về nhận thức và mất cân đối về kiến thức. Một bộ phận có định hướng thực dụng (theo nhu cầu của thị trường, của doanh nghiệp) – thì lại rập khuôn máy móc trong thực hành mà thiếu tính chủ động và sáng tạo. Cũng có không ít SV đã quan tâm tới vấn đề kiến trúc vì cộng đồng nhưng không nhận được sự động viên hỗ trợ cần thiết để đi đến cùng – thậm chí còn bị dập tắt từ trong trứng nước.
Có lẽ đã đến lúc Hội KTS Việt Nam và các trường kiến trúc phải chính thức khẳng định thật rõ ràng trách nhiệm xã hội và nhấn mạnh yêu cầu “vì cộng đồng” xuyên suốt quá trình đào tạo KTS – như là ngọn đèn pha để đánh động nhận thức của xã hội, là ngọn hải đăng để định hướng chuẩn đầu ra – thay vì phó mặc cho một vài cá nhân lọ mọ “cầm đèn chạy trước ô tô” để tìm đường mở lối đi riêng. Hy vọng là sau cuộc Gặp gỡ mùa thu năm nay (2016), Hội KTS Việt Nam sẽ có những hành động mạnh mẽ và thiết thực vì một nền kiến trúc thực sự nhân văn.