KTNĐ – Công trình là một căn hộ được cải tạo, nằm trên nóc một công trình cũ, ở dưới là showroom của chủ nhân – một nhà thiết kế nội thất luôn tìm tòi và hướng đến giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện rõ qua những sản phẩm thiết kế của mình. Ở công trình này, điểm tương đồng của chủ nhà và kiến trúc sư đã tạo nên ngôi “nhà mẹt” đầy ấn tượng, một không gian ở mộc mạc, thân quen.
Nhận thấy hình ảnh về làng quê giản dị đang dần mất đi, chỉ còn lại những ký ức mơ hồ của một tuổi thơ chạy nhảy trên đường làng, hay chỉ trong mẩu chuyện được các cụ già kể lại. Những mảnh ký ức góp nhặt đơn sơ dành lại cho con cháu giờ cũng đang bị bủa vây trong cuộc sống công nghệ hiện đại. Cả gia chủ lẫn kiến trúc sư đều có mong muốn tái hiện những ký ức để lưu giữ và nhắc nhớ mọi người về giá trị riêng của quê hương. Điểm chung đó đã dẫn đến ý niệm và mong muốn về những giá trị mà dự án cần và sẽ đem lại.
Nằm gần trung tâm Hà Nội, nơi mọi ngôi nhà đều mặc lớp áo hiện đại, nhưng khu vực này vẫn hiện lên hình ảnh làng trong đô thị, một bối cảnh thích hợp để làm sống dậy một hoài niệm. Không gian cải tạo với ý tưởng sử dụng những thứ giản dị và quen thuộc nhất: “Ký ức cần tìm kiếm không nhất thiết phải là những điều quá to tát xa xôi, mà nó xuất phát ngay từ trong bản thân chúng tôi, từ cuộc sống bình dị từng có. Mà thứ hiện lên đầu tiên là những chiếc rổ, mẹt… mây tre đan – những đồ gia dụng thủ công truyền thống. Những vật dụng quen thuộc với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người Việt thuần nông, chân chất. Chúng không chỉ là những đồ gia dụng thông thường, mà còn vô tình trở thành cái “nón” các bà các mẹ tiện đưa lên đầu, hay cái “mái che” làm mát cho lũ trẻ vui đùa trên đường làng trong ngày nắng…”.
Tận dụng công dụng đặc biệt này, ý tưởng một không gian vừa có ý nghĩa hồi tưởng vừa có công năng kiến trúc phù hợp được hình thành. Những chiếc rổ, mẹt với nhiều kiểu mắt đan đa dạng được thu gom xử lý làm điểm nhấn và phương tiện góp phần cho giải pháp cải tạo không gian công trình.
Trên nền một công trình cũ, căn hộ có hình tròn, thoáng bốn mặt nên có tầm nhìn thoáng và đẹp, một hình thái kiến trúc thú vị với không gian mở gần gũi thiên nhiên nhưng lại chịu ảnh hưởng lớn của nắng nóng. Giải pháp đưa ra là hạ nhiệt, hiệu quả của giải pháp nhiệt cho công trình được thấy rõ qua quá trình sử dụng. Hệ cách nhiệt bằng rổ, mẹt với các mắt đan dày thưa khác nhau, kích cỡ và độ nông sâu thay đổi tùy thuộc vào mục đích xử lý nhiệt ở từng khu vực.
Phần mái hiên phía đông với hướng nắng tốt chỉ sử dụng những loại mẹt nông, mắt đan thưa hạn chế một phần ánh nắng trực tiếp làm dịu nhiệt lượng trong nhà nhưng vẫn đảm bảo độ mở của phần hiên. Khác hẳn khu vực phía đông, không gian sinh hoạt trung tâm vốn lợp mái tôn, được xử lý vấn đề nhiệt bằng cách úp nhiều rổ có mắt đan dày kín chắn tối đa ánh nắng mặt trời tác động trực tiếp đến lớp mái. Giải pháp cách nhiệt cho khu vực nắng gắt phía tây cần sự tác động mạnh hơn, nhiệt lượng ở khu vực khá lớn nên việc sử dụng lớp cách nhiệt được tính đến. Hệ mẹt treo đóng góp thêm một lớp hấp thụ nhiệt và cách nhiệt phụ cho không gian sử dụng thoải mái nhất có thể.
Lối sắp đặt “lớp cách nhiệt” này cũng đem lại hiệu quả thị giác thú vị, có thể thấy rõ ràng ở diện mạo mới của công trình với ba tầng lớp hình ảnh khác biệt. Lớp “vỏ mái” lạ mà không mới, hiện lên thấp thoáng màu mái quê mộc mạc nằm giữa khu vườn ao xanh mượt. Chủ nhà có thể thư giãn tại hiên nhà để cảm nhận sự giao thoa của không gian trong – ngoài, cảm nhận hiệu ứng nắng và bóng đổ độc đáo mà chân chất.
Điều thú vị ở công trình này là cảnh quan tự thay đổi theo thời gian, hướng nắng thay đổi và kết hợp với các bề mặt vật liệu tạo ra những hiệu ứng hình học đa dạng. Đối lập với hình ảnh “động” bên hiên mở phía đông, hiên phía tây được đóng kín và trở nên “tĩnh”. Con người như lắng đọng lại và quan sát kỹ hơn họa tiết nan tre đan chồng lớp lên nhau, trong một không gian ở ấm cúng, nhẹ nhàng.
TUẤN PHÁT GHI
ẢNH: HIROYUKI OKI